Lưu trữ những chuyện kỳ lạ khó tin có thật - Vé Số Thần Tài https://vesothantai.com/tag/nhung-chuyen-ky-la-kho-tin-co-that Fri, 24 Mar 2023 03:24:42 +0000 vi hourly 1 https://wordpress.org/?v=6.6.2 https://vesothantai.com/wp-content/uploads/2023/02/cropped-logo-thantai39-1-32x32.png Lưu trữ những chuyện kỳ lạ khó tin có thật - Vé Số Thần Tài https://vesothantai.com/tag/nhung-chuyen-ky-la-kho-tin-co-that 32 32 Hậu trúng số – những chuyện kỳ lạ khó tin có thật – Kỳ 7: Những người hưởng lộc ‘ké’ https://vesothantai.com/hau-trung-so-nhung-chuyen-ky-la-kho-tin-co-that-ky-7-nhung-nguoi-huong-loc-ke.html https://vesothantai.com/hau-trung-so-nhung-chuyen-ky-la-kho-tin-co-that-ky-7-nhung-nguoi-huong-loc-ke.html#respond Fri, 24 Mar 2023 03:21:41 +0000 https://vesothantai.com/?p=2705 Nhiều người được hưởng lộc “ké” từ những tờ vé trúng độc đắc. Nhất là người bán vé số và người thân, chòm xóm người trúng số. Bà Phạm Thị Hồng (trái) được mổ mắt từ tiền chia lộc trúng số của cô Út Một – Ảnh: Y.T. Nhờ những món lộc từ người trúng …

Hậu trúng số – những chuyện kỳ lạ khó tin có thật – Kỳ 7: Những người hưởng lộc ‘ké’ xem thêm

Bài viết Hậu trúng số – những chuyện kỳ lạ khó tin có thật – Kỳ 7: Những người hưởng lộc ‘ké’ đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Vé Số Thần Tài.

]]>
Nhiều người được hưởng lộc “ké” từ những tờ vé trúng độc đắc. Nhất là người bán vé số và người thân, chòm xóm người trúng số.

Bà Phạm Thị Hồng (trái) được mổ mắt từ tiền chia lộc trúng số của cô Út Một – Ảnh: Y.T.

Nhờ những món lộc từ người trúng số ấy, họ đã vượt qua được cảnh cùng kiệt.

Được cho tiền mổ mắt

Bán vé số ở khu vực chợ Giồng Trôm (thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, Bến Tre), bà Phạm Thị Hồng (67 tuổi) vui mừng kể lại chuyện vé mình bán đã có hai người khách trúng cách đây hơn hai tháng.

Người trúng sáu tờ, người trúng hai tờ độc đắc, cả hai đều buôn bán làm ăn ở khu chợ này.

Trong đó, cô Út Một – nhân vật nổi tiếng nguyên khu chợ vì trúng tới sáu tờ – cho bà tổng cộng 25 triệu đồng. Theo lời kể, ban đầu cô Út Một định đưa bà 20 triệu đồng, chia làm hai đợt vì sợ đưa một lần sẽ xài hết.

Nghe vậy, bà Hồng bộc bạch nỗi niềm: “Tui lấy tiền này đi lên thành phố mổ cườm mắt, còn phải lo tiền xe, rồi tiền ăn tiền uống nữa. Thôi bà cho tui thêm 5 triệu đi rồi tui không xin nữa”.

Lúc này, cô Út Một mới nói: “Bà nhớ nghe, chứ tui tính cho bà hai lần đó”. Vậy là, cô Út Một rút thêm 5 triệu đồng đưa bà Hồng cái rẹt.

Có tiền, bà Hồng đi mổ mắt khỏe re. Bác sĩ dặn về nhà phải đeo kiếng che bụi, nhưng bà lại đeo kiếng lão theo thói quen chứ không đeo kiếng mát.

Mới mổ mắt còn yếu không nên ra ngoài ánh sáng chói gắt nhưng bà cũng không chịu nghe. Chừng hai, ba bữa sau, mắt bà đỏ lè nhìn như… bà phù thủy.

Không biết tính sao, bà chạy qua gặp cô Út Một phân trần rồi xin thêm 10 triệu đồng đặng lên lại thành phố tái khám và lo liệu việc nọ việc kia.

Cô Út Một kể: “Tui dặn bả là tui cho 10 triệu này là dứt dạt, tại vì tui còn nhiều công chuyện lắm. Bả cũng đồng ý, nên tui đưa đặng giúp bả cho trọn”.

Mọi chuyện êm thấm. Khi người khác hỏi thăm, bà hồ hởi nói: “Mắt tui khỏe rồi, giờ nhìn rõ lắm”. Bà cũng tâm sự rằng may mà có cô Út Một cho, chứ bà đi bán bữa đực bữa cái tiền đâu mà mổ.

Rồi bà kể mình mới bán vé số mấy năm nay ở miệt này, trước đây bán ở huyện khác. Ngày nào bà cũng khoác áo bà ba, đội nón lá đi bộ bán lòng vòng. Bà cho biết bản thân rất vui mừng khi có người mua vé của mình mà trúng số. “Tui mừng cho cô Út Một lắm, cổ hay mua vé chiều ế của tui”, bà nói.

Tối muộn ở một tiệm hủ tiếu có tiếng ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang), bà Nguyễn Thị Phụng (Sáu Phụng, 68 tuổi) đi mời khách mua vé số như mọi hôm.

Bà tính tình xởi lởi, cách đây hơn hai tháng đang lơn tơn đi bán thì một thanh niên ngoắc bà lại. Tưởng là khách mua vé số, nhưng người này vui vẻ nói: “Dì ngồi đi, con bao dì ăn hủ tiếu”.

Nghe vậy, bà nghĩ chắc người ta thương mình già cả tội nghiệp nên đáp lại “Dì nấu tô hủ tiếu ăn rồi mới đi bán, con ăn đi, dì hổng ăn”.

Người khách lúc này mới nói rằng bữa trước có cặp vợ chồng mua vé số của bà trúng độc đắc, lúc đó họ cũng ngồi ngay cái bàn mà anh đang ngồi. Họ gửi anh đem biếu bà 10 triệu đồng.

Bà đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, cầm tiền trong tay mà vui quá trời. “Tui cũng không biết cặp vợ chồng đó trúng mấy tờ, cũng không nhớ mặt mũi họ trông ra sao vì quán này đông mà tui bán cho nhiều người lắm…”, bà kể.

Quê ở Gò Công, bà Phụng lên TP Mỹ Tho ở trọ tới nay cũng hai chục năm, gắn với nghề bán vé số. Trước đó, cũng có những người trúng giải nhỏ nhỏ, cho bà chút chút. Bà nói lần này nhận được số tiền chục triệu đối với bà lớn lắm.

Số tiền giúp bà vượt qua cơn ngặt nghèo. “Năm ngoái tui nợ dữ lắm, nợ tiền trọ, nợ nần hồi đợt dịch COVID-19. Rồi hồi đó ông xã tui chạy xe ngoài đường bị sụp ổ gà, té đụng vô vợ chồng người ta nên phải vay tiền góp để đền”, bà bùi ngùi nhớ lại.

Nhờ được cho 10 triệu đồng, bà trả bớt nợ, nhẹ gánh phần nào.

Một đại lý vé số ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) căng băng rôn chúc mừng khách trúng số – Ảnh: Y.T.

Đại lý vé số cũng… thơm lây

Không chỉ người bán dạo, đại lý vé số cũng nằm trong “danh sách” những người hưởng lộc ké.

Chị Lan Anh (đã được đổi tên, 39 tuổi, bán vé số cho một đại lý trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP.HCM) có thâm niên 10 năm trong nghề thì “không nhớ hết mình bán trúng độc đắc bao nhiêu lần”.

Gần nhất là cuối năm ngoái chị bán trúng hai lần đặc biệt, mỗi lần 11 tờ đài TP.HCM và Đồng Nai.

Chị kể cả hai lần đó đều là vé ế “ma chê quỷ hờn, chuẩn bị đem trả thì có người hốt”. Còn chồng chị bán khu vực Châu Văn Liêm và chợ An Đông cũng mát tay không kém.

“Ông xã bán tháng nào cũng có khách trúng, có những lúc tuần nào cũng trúng. Ấn tượng nhất là ảnh từng bán trúng độc đắc hai lần liên tiếp trong vòng một tuần cho cùng một chị khách ở quận 5”, chị hào hứng nói.

Nhờ mát tay, vợ chồng chị hưởng lộc ké cũng kha khá. Có lần cách đây bốn năm, một vị khách cho hẳn 300 triệu đồng, rồi những khách khác cho khi thì vài trăm ngàn, khi vài chục triệu…

Với những khoản tiền khách chia lộc, vợ chồng chị “nhờ” ngân hàng giữ giùm. Cộng thêm của để dành khác, họ mua được căn nhà ở quận 12, vừa rồi mới bán lại lời cũng kha khá.

“Vợ chồng còn mua được miếng đất ở quê nhà Đồng Tháp”, chị kể.

Ngoài được khách hậu tạ sau khi trúng, chị Lan Anh cũng cho biết mình bán cũng thuận lợi hơn. Thông thường khi người trúng “lên hương”, tiếng lành đồn xa, đại lý sẽ bán được nhiều hơn trước.

Khách tin tưởng nên đã nhờ những “đại sứ thần tài” này lựa số giùm và không quên thòng một câu: “Chiều nay mà trúng, tui kiếm bà hậu tạ à nghe”.

Tương tự, một số đại lý khác cũng cho biết được “thơm lây” khi bán mà có nhiều người trúng. Có đại lý còn căng băng rôn ghi thông tin chúc mừng khách trúng kèm theo dãy số độc đắc cụ thể và ngày trúng để hút khách hơn, như một đại lý trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) vừa rồi để băng rôn khách trúng tổng số tiền 27 tỉ đồng.

Nghe những người hưởng lộc ké kể, chúng tôi cảm nhận được người trúng số lẫn người hưởng lộc trong câu chuyện thường có tâm lành. Chuyện hên xui, may rủi quanh những tờ vé số xét ra cũng có nhiều điều hay ho.

Người thân, chòm xóm được nhờ

Có lộc không hưởng một mình. Người trúng số thường quan niệm nhận lộc thì phải sẻ chia, không ôm khư khư dễ… “đau bụng”. Với suy nghĩ đó, người trúng số thường dành ra một khoản tiền để làm việc thiện, biếu người thân và họ hàng…

Nhờ vậy, người thân và chòm xóm của người trúng số cũng được thơm lây. Như trường hợp cô Út Một kể trên, cô biếu anh chị của mình mỗi người trăm triệu.

Anh Bảy Có trúng số ở huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) thì cho họ hàng khoảng 20 người mỗi người chút đỉnh. Bà Bảy Tuyết trúng số ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) mua xe cho cả nhà đi làm.

Riêng vợ chồng chị Lan Anh đã dùng số tiền 300 triệu đồng của vị khách trúng độc đắc tặng để san sẻ cho bà con nghèo ở quê nhà (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) bằng những phần quà thiết thực sau đợt dịch năm rồi…

Truyền thông quốc tế từng đưa tin nhiều về bi kịch của người trúng số độc đắc từ tan cửa nát nhà, nghèo xơ xác trở lại, hay tự tử… Nhưng không phải ai trúng xổ số đều sẽ như vậy.

Bài viết Hậu trúng số – những chuyện kỳ lạ khó tin có thật – Kỳ 7: Những người hưởng lộc ‘ké’ đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Vé Số Thần Tài.

]]>
https://vesothantai.com/hau-trung-so-nhung-chuyen-ky-la-kho-tin-co-that-ky-7-nhung-nguoi-huong-loc-ke.html/feed 0
Hậu trúng số – những chuyện kỳ lạ khó tin có thật – Kỳ 6: ‘Trời cho cái này, lại lấy cái kia’ https://vesothantai.com/hau-trung-so-nhung-chuyen-ky-la-kho-tin-co-that-ky-6-troi-cho-cai-nay-lai-lay-cai-kia.html https://vesothantai.com/hau-trung-so-nhung-chuyen-ky-la-kho-tin-co-that-ky-6-troi-cho-cai-nay-lai-lay-cai-kia.html#respond Thu, 23 Mar 2023 03:36:59 +0000 https://vesothantai.com/?p=2632 Kể chuyện trúng số, mà trúng cùng lúc tới chín tờ độc đắc, ông Hà Quang Long (53 tuổi, tên đã thay đổi) chùng giọng tâm sự nhiều người nói “trời cho cái này, lại lấy cái kia”. Vé số vẫn chắp cánh bao giấc mơ đổi đời – Ảnh: YẾN TRINH Ông cũng không …

Hậu trúng số – những chuyện kỳ lạ khó tin có thật – Kỳ 6: ‘Trời cho cái này, lại lấy cái kia’ xem thêm

Bài viết Hậu trúng số – những chuyện kỳ lạ khó tin có thật – Kỳ 6: ‘Trời cho cái này, lại lấy cái kia’ đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Vé Số Thần Tài.

]]>
Kể chuyện trúng số, mà trúng cùng lúc tới chín tờ độc đắc, ông Hà Quang Long (53 tuổi, tên đã thay đổi) chùng giọng tâm sự nhiều người nói “trời cho cái này, lại lấy cái kia”.

Vé số vẫn chắp cánh bao giấc mơ đổi đời – Ảnh: YẾN TRINH

Ông cũng không hiểu có phải do “trời lấy lại” hay vì chính mình tự tạo “nghiệp” mà đời ông nếm đủ vui, buồn và tột cùng đắng cay.

Trời cho tôi tiền, rồi trời lấy lại cả tiền và hạnh phúc cuộc đời. Nhưng có lẽ là do chính tôi thôi. Được tiền lớn trong tay, tôi đã sống không đàng hoàng nên bị trả giá.

Ông Hà Quang Long

Trúng số: Lộc trời cho và tháng ngày yên vui

Ông Long kể gốc gác mình nghèo lắm, quê từ Vĩnh Phúc vào TP.HCM lập nghiệp năm 2000 bằng nghề lượm ve chai và ở trọ khu Xóm Mới, quận Gò Vấp. Ngày đêm bới móc thùng rác mưu sinh, ông lập gia đình với cô gái đồng hương cũng nghề lượm ve chai.

Đến đứa con gái thứ hai chào đời thì họ phải gửi con trai đầu mới 3 tuổi về cho ngoại nuôi giúp, vì họ không đủ khả năng nuôi cả hai. Con gái sơ sinh, vợ phải nằm nhà trọ nuôi con. Gánh nặng cuộc sống gia đình dồn hết lên đôi bàn tay bới rác của người chồng.

“Cuộc sống chúng tôi lúc đó rất khó khăn, nhiều khi phải ê mặt khất nợ chủ nhà trọ. Thỉnh thoảng mua được tí thịt, quả trứng, tôi đều không dám ăn mà nhường phần cho vợ đang nuôi con bú”, ông Long nhắc chuyện xưa và tâm sự thêm hồi ấy vất vả nhưng gia đình đầm ấm.

Ngày ngày ông đi nhặt rác dù tận đâu xa, tối vẫn về ăn cơm với vợ con. Mâm cơm nghèo mà ấm áp tình nghĩa.

Rồi đến một ngày, ông may mắn được một chủ nhà sắp sửa chữa kêu vào dọn dẹp phụ, cái gì phế thải thì cho ông. “Hôm ấy mình gặp may, chủ nhà vất đồ đi rất nhiều để dọn chỗ xây sửa.

Tôi chở cả chục bao tải lớn, bán lại cho vựa được hơn 2 triệu đồng, chắc cũng phải tầm 6 – 7 triệu bây giờ. Tôi nhận tiền mà run tay, nghĩ chiều nay sẽ mua món gì ngon cho vợ con”, ông Long kể đã ghé vào chợ Gò Vấp mua con gà về nấu nồi miến măng cho vợ và mua hộp sữa cho con.

Khi ra cổng chợ, ông thấy một bà cụ rất già, thều thào cầm vé số mời khách. Ông nghĩ hôm nay mình gặp may thì “chia chút lộc” với bà cụ. Ông mua 10 vé cùng một số và tặng lại cho bà cụ một tờ, còn chín tờ để túi quần mình.

Về nhà, ông vui vẻ kể với vợ ngày may mắn mà không hề nhớ gì tới chín vé số mới mua, vì ông cũng như đa số dân lao động miền ngoài rất hiếm khi chơi vé số.

Hôm sau ông thay quần khác đi làm. Vợ ở nhà bỏ quần cũ của ông vào thau giặt. Cô lần túi quần, thấy có mấy tờ vé số, lấy nhét lên kẽ tường bị nứt và rồi cũng quên mất.

“Phải hơn 20 ngày sau, khi bị chủ nhà đòi tiền trọ mà chưa có để trả, tôi quẫn quá ngồi nghĩ làm sao ra tiền trả nợ, bạn bè nào cho mượn được thì cũng nợ họ hết rồi.

Nửa đêm, vợ con đã ngủ, tôi vẫn không chợp mắt được, dậy pha ấm trà mà không dám mở đèn sáng vì sợ con nhỏ thức giấc.

Tôi mò tường ra góc bếp thì trời khiến thế nào lại đụng tay ngay mấy tờ vé số nhét kẽ tường. Phòng trọ hồi ấy cũ nát, mái tôn thì dột, tường nứt đến nhét cây đũa cũng lọt”, ông Long kể đến lúc đó mới nhớ mình có chín tờ vé số chưa dò.

Sáng hôm sau, ông vẫn đi nhặt ve chai bình thường, đến khi mệt mới tấp vào chỗ bán vé số trên đường Nguyễn Oanh (Gò Vấp) để “dò chơi” vì không hề nghĩ mình sẽ trúng.

“Rồi trời đất ơi, tôi thấy số của mình ở ngay giải đặc biệt, người tôi tự nhiên như trên mây, vẫn sợ nhầm lẫn gì đó, cứ dò đi dò lại”, đến giờ ông Long kể lại chuyện này mà giọng vẫn run. Ngày ấy đã qua gần 20 năm rồi và cuộc đời trải nhiều cay đắng mà có lúc đến như mất trí, ông vẫn nhớ được hai số cuối mình trúng độc đắc là 35 của đài Tiền Giang (có lúc ông lại nhớ là đài An Giang).

Ông Long kể đã vất bao ve chai ngay chỗ dò vé số để đạp xe về báo tin vui cho vợ. Một tay ông cầm lái xe đạp, một tay ông cứ túm lấy cái túi áo vì… sợ rớt mất vé số. Ông nhớ: “Thấy tôi về sớm, vợ ngạc nhiên. Khi tôi hét lên mình trúng số rồi, vợ tôi vẫn cười hỏi tôi đùa à. Khi thấy tôi móc ra chín tờ vé số, cổ mới sực nhớ và mừng như xỉu luôn”.

Liền ngay sau đó, vợ chồng ông đã bế cả con nhỏ đi đổi số trúng. Lần đầu được cầm bao tiền tỉ to đùng, vợ chồng ông vẫn nghĩ mình đang mơ.

Ngay hôm đó, họ đã trả hết khoản nợ nần gần 10 triệu đồng cho bạn bè cùng vào mưu sinh ở TP.HCM, và gửi về cho bố mẹ hai bên nội – ngoại 100 triệu đồng. Nhiều năm kể chuyện “lộc trời cho”, ông nói thật: “Lúc ấy tôi chỉ dám nói trúng một tờ thôi. Sợ nói trúng chín tờ nhiều tiền quá không an toàn cho mình mà còn thêm chuyện này nọ”.

Hôm sau, vợ chồng mua con heo quay lớn làm mâm cúng tạ ơn trời đất và mời bạn bè, hàng xóm khu trọ chung vui. Cùng dãy trọ có mấy gia đình túng khó, ông tặng luôn cho họ ba tháng tiền trọ.

Nhắc kỷ niệm này, người đàn ông 53 tuổi như già ngoài 60 nghẹn ngào: “Đó là tháng ngày vui nhất đời tôi. Lần đầu vợ chồng được đi biển Vũng Tàu, rồi đi Đà Lạt, có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình được”…

Ông Long giờ làm nghề hồ kiếm sống trong nghèo khó, cô đơn và tiếc nuối – Ảnh M.DŨNG

Trúng số: “Trời lấy lại” hay do chính mình tạo ra

Có khoản tiền “trời trao tay” quá lớn, vợ chồng ông Long nghỉ nghề ve chai và rời xóm trọ nghèo để tìm mua căn nhà hẻm đường Trường Chinh, quận Tân Bình. Vợ muốn mở vựa ve chai để ngồi thu mua.

Nhưng những năm 2000 đất đai sốt đùng đùng, ông bàn nên đầu tư nhà đất, “tiền bỏ vào nhà đất thì yên tâm, nó nằm đó chẳng thể mất đi đâu”.

Đúng như ông Long tính, hai vòng đầu tư nhà đất ban đầu họ đều trúng. Từ cục “tiền trời cho” lại sinh ra tiền. Nhắc thời kỳ may mắn nối tiếp nhau, ông Long kể: “Khoảng 2007, chúng tôi đã có vốn gần chục tỉ trong tay, cứ nghĩ đời chắc chắn yên ấm rồi, nào ngờ”.

Bắt đầu từ đây thì không biết do “trời lấy lại” hay ông tự “trả lại trời”. Từ cảnh tận cùng nghèo khó, bất ngờ trúng chín tờ vé số độc đắc, lại tiếp tục gặp may trong vài cú kinh doanh nhà đất, ông Long dần nếm mùi tự mãn và hưởng thụ.

Nghẹn giọng nhắc quá khứ trượt dài, ông nói: “Thời đó bia ôm rộ khắp nơi, tôi tò mò bước vào rồi nghiện luôn và vung tiền mỗi ngày. Lần đầu biết mùi chơi bời khó tránh mật ngọt nhan sắc, tôi rơi luôn vào vòng tay một cô gái quán bia ôm nhỏ hơn vợ mình cả chục tuổi”.

Ông kể đã dối vợ, nói rút tiền đầu tư nhà đất mà thật ra là mua cho cô gái đó căn hộ chung cư ở quận Tân Bình.

Nhưng cây kim giấu kín còn lòi ra, làm sao giấu cả một con người. Đến một ngày, vợ ông phát hiện. Chuyện đổ bể đùng đùng, gia đình lúc nóng lúc lạnh, vợ chồng không còn ai quan tâm đến ai.

Rồi một ngày người vợ đâm đơn ly dị, ông Long đang mặn nồng nhân tình nên thẳng tay ký luôn. Tài sản chia đôi, người vợ giữ căn nhà hẻm đường Trường Chinh. Ông Long được một khoản tiền lớn nhưng thỏa thuận trao luôn một phần cho vợ cũ trong trách nhiệm chu cấp nuôi hai con.

Thế rồi, cú trượt đời ông ngày càng lao dốc không thắng. Đến một ngày chính cô nhân tình có người mới cũng là lúc ông Long đã trắng tay. Nhà không còn, tiền cũng hết, cô nhân tình quay lưng, vợ con chối mặt vì sự bội bạc của ông.

Quá quẫn trí, ông lang thang trở lại nghề lượm ve chai cho đến khi một người bạn nhận theo làm phụ hồ trong cảnh cuối đời nghèo khó, cô đơn và tiếc nuối phải chi, phải chi…

Bài viết Hậu trúng số – những chuyện kỳ lạ khó tin có thật – Kỳ 6: ‘Trời cho cái này, lại lấy cái kia’ đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Vé Số Thần Tài.

]]>
https://vesothantai.com/hau-trung-so-nhung-chuyen-ky-la-kho-tin-co-that-ky-6-troi-cho-cai-nay-lai-lay-cai-kia.html/feed 0
Hậu trúng số – Kỳ 2: Anh nghèo ‘không còn mồng tơi để rớt’ trúng độc đắc https://vesothantai.com/hau-trung-so-ky-2-anh-ngheo-khong-con-mong-toi-de-rot-trung-doc-dac.html https://vesothantai.com/hau-trung-so-ky-2-anh-ngheo-khong-con-mong-toi-de-rot-trung-doc-dac.html#respond Wed, 08 Mar 2023 03:27:03 +0000 https://vesothantai.com/?p=2038 Khi nghe tin anh Bảy Có trúng số, xóm nhỏ ở ấp Hội Thành, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre chộn rộn hẳn. Ai cũng mừng vì cảnh nhà anh nghèo “hổng còn mồng tơi để rớt”, đùng một cái có tiền trên trời rớt xuống, mà cả hai tờ độc …

Hậu trúng số – Kỳ 2: Anh nghèo ‘không còn mồng tơi để rớt’ trúng độc đắc xem thêm

Bài viết Hậu trúng số – Kỳ 2: Anh nghèo ‘không còn mồng tơi để rớt’ trúng độc đắc đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Vé Số Thần Tài.

]]>
Khi nghe tin anh Bảy Có trúng số, xóm nhỏ ở ấp Hội Thành, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre chộn rộn hẳn. Ai cũng mừng vì cảnh nhà anh nghèo “hổng còn mồng tơi để rớt”, đùng một cái có tiền trên trời rớt xuống, mà cả hai tờ độc đắc lận.

Anh Bảy Có trúng số, vẫn trân trọng căn nhà tình thương

Mua cầu may, ai ngờ trúng số thiệt

Đang te te chạy chiếc Dream cà tàng trên con lộ để chở mướn thức ăn gia súc, thấy chúng tôi tới, anh Bảy Có (tên thiệt là Nguyễn Thanh Tuấn, 46 tuổi) “quay xe” dẫn về nhà. Bên ấm trà, dĩa bưởi hồng mới lột ngoài vườn, anh rút ruột kể sạch bách chuyện trúng số và cuộc đời vất vả của mình. Tính anh thoải mái, rất nhiều người trúng số thường giấu biệt chuyện tiền rớt vô túi mình như thế nào.

“Hời ơi, tui mua vé số cầu may vì mình khổ mà. Bữa đó là thứ bảy đầu tháng 10, nhỏ bán vé số quen nài mua mấy tờ vé chiều. Mà hồi sáng tui mua rồi, nên tui bấm bụng mua thêm hai tờ đuôi 24 và ba tờ đuôi 27”, anh nhớ lại cái duyên trúng số. Tới giờ xổ, anh dò kết quả trên điện thoại thấy trúng ngay chóc số 046224 thì mừng hết lớn.

Hỏi về việc làm tiếp đó, anh cười khì khì: “Mừng xong thì tui cũng bình thường lại, đi pha bình trà. Sáng thứ hai tui kêu đứa cháu chở ra TP Mỹ Tho mở tài khoản ngân hàng. Xong tui ngồi xe lên Bình Phước để lãnh cho chắc ăn, khỏi mất thêm phí từ các đại lý, lấy tiền đó cho mấy đứa cháu”, anh kể.

Anh ngồi chờ làm thủ tục lãnh cỡ một tiếng, nào là đưa vé số cho phía công ty kiểm tra, ghi họ tên, số căn cước… Đầu giờ chiều thì tiền vô tài khoản cái rẹt. Loay hoay, hơn 12h khuya anh mới về tới nhà.

“Nhỏ bán vé số” được anh cho 3 triệu đồng. Liền đó, anh điện cho người trưởng ấp và cháu gái để làm thư mời mời chòm xóm đi lãnh quà do mình tài trợ. “Anh em ruột với anh em bên vợ tui cũng đông, tui cho thêm người chút chút, ai khổ hơn thì cho thêm”, anh kể.

Trong nhà tui cũng chỉ sắm cái ti vi, tủ lạnh với xe máy mới. Sắm để đi đâu sang sang, còn ngày thường tui vẫn đi cái xe cà tàng của thằng cháu bán lại cho tui một triệu rưỡi hồi đó.

NGUYỄN THANH TUẤN

Làm tặng ngay khúc đường lộ

Kể cũng lạ, hồi đó khi nhìn con lộ sình lầy, anh Bảy Có đã nguyện cho mình trúng số. Nếu trúng 20 triệu đồng, anh sẽ dành ra chục triệu để làm đường. Ai ngờ trời cho trúng thiệt, trúng hàng tỉ, hơn cả mong đợi…

Vì vậy khi lãnh thưởng về, hôm sau anh điện cho cửa hàng vật liệu xây dựng liền. Nhắc tới chuyện này, anh Hoàng Mây (49 tuổi, chung xóm anh Bảy Có) kể: “Khúc này hồi đó là đường đất, chạy xe bị trợt hoài. Mấy đứa nhỏ đi học cũng hay bị té. Nay anh Bảy làm cho sạch sẽ, đi đỡ lắm”.

Tiếp lời anh Mây, anh Bảy Có nói bữa đó anh chờ tới thứ bảy, học sinh nghỉ học thì mới làm cho tiện. “Tại ông trời ổng mưa chứ không là hai ngày xong rồi. Đang làm trời mưa cái ngưng, cả tuần mới xong xuôi”, anh kể.

Không khí làm đường mấy hôm đó cũng xôm tụ với hơn chục người trong xóm qua phụ giúp. Anh Bảy cũng ra làm luôn. Anh chơn chất nói: “Tui bỏ tiền người ta bỏ công. Làm xong tụi tui cúng con heo quay với ba chục lít rượu, mấy thùng bia. Trước tạ trời đất, sau mời bà con chung vui”.

Ở xóm này, cách đây vài năm người trong xóm cũng hùn người 100.000 đồng, người mấy trăm ngàn mua cát, đá để trải cho đỡ sình lầy. Bây giờ đổ bê tông, thôn xóm nhìn sáng sủa hẳn. Khúc lộ dài cỡ 120m, bề ngang có chỗ 2m chỗ hẹp hơn, kéo dài từ nhà ông Ba tới nhà anh Mây.

Nói về chuyện làm khúc lộ, anh Bảy cho biết: “Tui cũng không muốn phô trương kể công, tại mình làm sao thì mình biết thôi. Mà tui làm khúc đó có đáng gì, biết bao người người ta làm những cái to tát hơn”.

Bây giờ có chút tiền, anh Bảy Có không còn “mần nặng” mà xoay qua làm vườn, tiếp tục nuôi bò nuôi dê và ai kêu thì đi chở mướn. Nhớ lại những ngày cơ cực, anh cũng “ớn hồn” vì độ chịu thương chịu khó của mình.

“Nói đâu xa, cách đây mấy năm nhỏ con gái lớn của tui lên thành phố học ngành điều dưỡng. Hồi đó vay ngân hàng mỗi năm 7,5 triệu đồng mà tui không trả nổi, phải gia hạn. Ngân hàng cũng… sợ tui vì mượn dai, vay trong vòng 3 năm mà tới 5 năm mới trả được”, anh kể. Giờ anh đã gả chồng cho con, con rể có nghề mộc cũng ổn định.

Cha mất trước khi mẹ đẻ mình ra, năm 15 tuổi, anh đã mần đủ việc nặng để kiếm sống. Nào là đi vác dừa thuê, mần cho lò nấu đường, mần lộ nhựa… Khi chưa có xe máy, anh đạp xe đi mần tuốt huyện Ba Tri. Sau cái đận bị tai nạn cách đây 6 – 7 năm khi đang mần lộ nhựa, “trời độ” giữ được cái mạng, rồi anh nghỉ luôn.

Nói về đời mình, anh Bảy đúc kết tỉnh queo: “Nói chung khổ”. Anh lấy vợ năm 22 tuổi khi trong người chỉ có một chỉ vàng, phải mượn tiền họ hàng làm đám cưới. Vợ sinh xong “bệnh dữ lắm” hết sáu năm trời, mẹ anh phải bán đất để lo.

“Đi mần mà thiếu cả cái nhai trong miệng, mần ngày nào ăn ngày nấy. Khi vợ đỡ rồi thì hai vợ chồng mần ngày mần đêm, trưa là tranh thủ chạy về cắt cỏ cho bò, nhà đóng cửa suốt. Hai vợ chồng phải mần công đôi, không có thời gian mà nghỉ, khi đóng công thường là 12h khuya”, anh nhớ lại.

Người dân đi lại thuận lợi trên khúc lộ anh Bảy Có làm tặng – Ảnh: Y.TRINH

Vẫn ở nhà tình thương

Năm 2008, một đơn vị hảo tâm mong muốn tặng nhà tình thương cho anh. Anh kể: “Lúc đó ông nhạc (cha vợ) cho vợ chồng tui một công đất để người ta xuống cất nhà cho mình. Còn đất thì trồng trọt lai rai cũng đủ tiền mua nước mắm với đường”.

Rồi anh tặc lưỡi, kể rằng đợt trước con trai út đậu ngành công nghệ ô tô nhưng kẹt tiền quá nên cho con ở nhà học nghề sửa xe “honda”. Nói tới đây, anh nhớ lại hồi con trai còn nhỏ xíu nhà đâu có tiền mua sữa, toàn cho con uống nước cơm…

Trúng số xong, trái với nhiều người có tiền thường muốn nhà cao cửa đẹp, anh Bảy vẫn giữ lại căn nhà tình thương vì đó là ơn nghĩa. Hổm rày, anh và người con rể đang cọc cạch xây hàng rào, sơn màu vàng thay cho rào lưới ọp ẹp trước đây.

Anh quan niệm không cho tiền “khơi khơi dễ xài ẩu”, nên số tiền còn lại cất ngân hàng phòng khi hữu sự chứ không đưa cho con. “Trong nhà tui cũng chỉ sắm cái ti vi, tủ lạnh với xe máy mới. Sắm để đi đâu sang sang, còn ngày thường tui vẫn đi cái xe cà tàng của thằng cháu bán lại cho tui một triệu rưỡi hồi đó”, anh nói.

Dù không chật vật lo cái ăn nữa nhưng anh vẫn đi mần mỗi ngày. Vừa dứt chuyện với chúng tôi, anh lại xách chiếc xe máy “hông ai thèm lấy” với phần đầu xe bể quấn băng keo tùm lum tùm la, chạy rề rề ra phía lộ lớn, tiếp tục đi chở thức ăn gia súc. Gặp anh “ba khía” này ngoài đời đố ai biết được anh vừa trúng số.

Giờ thì mua giúp anh em bán vé số

“Mua vé số mới trúng, hông mua là hông trúng. Giờ tui mần có tiền thì mua hỗ trợ anh em bán vé số chứ giờ hổng có trúng nữa đâu”, anh Bảy Có cười nói. Cách đây một năm, anh cũng trúng một vé 15 triệu đồng từ một anh bán vé số quen. Vừa nói, anh vừa đón lấy xấp vé số từ tay “cố nhân”, chọn lấy thêm 5 tờ.

Bà Tuyết nhớ hôm đó giữa tháng 2. Như mọi bận, người ta ăn bánh canh xong, “thối” cho bà mấy tờ vé thay tiền. Chiều mát, bà nằm võng bắt ti vi nghe dò số. Khi đài Vĩnh Long đọc số trúng độc đắc “…941”, tim bà muốn rớt ra ngoài.

Nguồn Tin : https://tuoitre.vn/

Bài viết Hậu trúng số – Kỳ 2: Anh nghèo ‘không còn mồng tơi để rớt’ trúng độc đắc đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Vé Số Thần Tài.

]]>
https://vesothantai.com/hau-trung-so-ky-2-anh-ngheo-khong-con-mong-toi-de-rot-trung-doc-dac.html/feed 0
Hậu trúng số – những chuyện kỳ lạ khó tin có thật – Kỳ 1: Mua theo biển số xe, trúng độc đắc khủng https://vesothantai.com/hau-trung-so-nhung-chuyen-ky-la-kho-tin-co-that-ky-1-mua-theo-bien-so-xe-trung-doc-dac-khung.html https://vesothantai.com/hau-trung-so-nhung-chuyen-ky-la-kho-tin-co-that-ky-1-mua-theo-bien-so-xe-trung-doc-dac-khung.html#respond Mon, 06 Mar 2023 04:20:00 +0000 https://vesothantai.com/?p=1980 Hầu hết người trúng số đều có “duyên kỳ lạ trao tay”, như người nghèo mua… nợ vé số, người bán ế thẩy vé số vào nhà ép mua giúp vì gần giờ xổ, sắp cho cái quần có vé số vào máy giặt thì phát hiện trúng. Út Một bên chiếc xe cà tàng …

Hậu trúng số – những chuyện kỳ lạ khó tin có thật – Kỳ 1: Mua theo biển số xe, trúng độc đắc khủng xem thêm

Bài viết Hậu trúng số – những chuyện kỳ lạ khó tin có thật – Kỳ 1: Mua theo biển số xe, trúng độc đắc khủng đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Vé Số Thần Tài.

]]>
Hầu hết người trúng số đều có “duyên kỳ lạ trao tay”, như người nghèo mua… nợ vé số, người bán ế thẩy vé số vào nhà ép mua giúp vì gần giờ xổ, sắp cho cái quần có vé số vào máy giặt thì phát hiện trúng.

Út Một bên chiếc xe cà tàng biển số “881” mà cô đã trúng độc đắc nhờ kiên trì mua theo số này – Ảnh: Y.TRINH

Nhưng đặc biệt hơn cả là chuyện hậu trúng số, những cách tiêu tiền “trên trời rơi xuống”. Kẻ đổi đời thật sự, người lại nghèo nhanh chóng.

“Kiếm Út Một hả, nó đi chở gas chưa về”, bà Hứa Ngọc Dung (72 tuổi) nói khi thấy chúng tôi lấp ló trước cửa tiệm mình. Hơn hai tháng nay, nguyên cái chợ Giồng Trôm (thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) này biết Út Một – em gái bà – trúng 6 tờ độc đắc “ngon ơ cành bơ”.

Trúng số, ngủ mở một mắt

Đâu chừng một tiếng sau, “người nổi tiếng nhất chợ Giồng Trôm” mới về tới. Dáng điệu đủng đỉnh, vóc người to cao, bà Út Một (56 tuổi, tên thật Hứa Ngọc Tuyết) ngồi phạnh xuống ghế. “Tui đi chở gas, lắp bình gas cho người ta ở xã Bình Thành cách đây mấy cây số. Tại tui đi chở kiểu… văn nghệ, vừa đi vừa chơi lòng vòng nên mới lâu”, bà bắt đầu câu chuyện.

Chưa chồng con, Út Một chỉ có một đam mê… mua vé số. Đứng kế bên, bà Dung lườm em rồi nói nửa giỡn nửa thiệt: “Nói nào ngay, nhiêu nó xài hết nhiêu. Ngày nào nó cũng mua vé số, tui rầy hoài đừng mua nữa, chim ỉa miệng chai biết ngày nào trúng mà nó không nghe”. Út Một nghe vậy thì cười hề hề, xòe cho chị mấy tờ vé số cầu hòa “cho bà nè”.

Niềm đam mê vé số của Út Một cũng lạ. Suốt nhiều năm nay bà thường mua vé có đuôi “881” hoặc “81” vì thích, với lại đó là biển số chiếc xe Cub cũ của mình. Chiếc xe tàng quá rồi nhưng bà vẫn dựng trong nhà, cùng với một chiếc xe cổ lỗ sĩ khác do má hồi còn sống mua cho.

Chiều hôm đó là ngày lễ 20-10, Út Một phóng vèo đi chở gas. Ngang chợ, bà bán vé số mối quen kêu lại. Thấy có “số ruột” 881, bà mua 6 vé, chạy được một đoạn thì bà bán ới theo “thôi còn 6 vé lấy hết đi”. Út Một kể: “Khi đó tui mua chịu vì phải để lại tiền lẻ để thối tiền gas cho người ta. Đâu biết trúng, người ta nài quá thì mình mua giùm thôi”.

Mua xong, bà tiếp tục “sự nghiệp chở gas” cho khách. Trên đường về, bà ghé chỗ người bán vé số để trả 60.000 đồng. Rồi bà đáo qua mua 5kg gạo với hũ chao hết 100.000 đồng nhưng chỉ còn 90.000 đồng tiền lẻ. “Tui đưa cho bà bán gạo một tờ, kêu cầm đi nhưng bả nói chỉ lấy tiền, vé sắp xổ rồi đưa chi nữa. Tui cầm lại, nói giỡn là bà đừng có hối hận nghe”, bà kể.

Út Một về nhà chị gái, mở điện thoại dò số, 6 vé trúng phóc “…881” đài Bình Thuận. “Thấy trúng tui nhói tim luôn”, bà nhớ lại. Rồi bà đưa cho chị mình và nói “Năm ơi Năm (bà Dung), em trúng số rồi nè”. Bà Dung cũng nghẹn tim, tròn mắt ngó, dò lại kỹ càng mới tin rằng em mình không nói dóc.

Người ta hay nói người trúng số ngủ có một con mắt, con mắt còn lại lo đủ thứ. “Chị em tui dặn nhau thôi nín thinh đi, đừng nói ai nghe, để từ từ tính. Nhưng bà bán vé số bả đi nói khắp chợ, la um sùm ai cũng biết”, Út Một vui vẻ kể lại. Bữa đó, bà bán bánh bò trong chợ cũng trúng hai tờ giống số này.

Dù trúng độc đắc, Út Một (phải) vẫn phụ giúp chị gái như xưa – Ảnh: Y.TRINH

Tính chằng chằng mà hiền lành

Sáng hôm sau, Út Một ngồi xe ra Bình Thuận lãnh giải. Xong xuôi, bà cúng dường cho ngôi chùa trong thị trấn, biếu bà vé số ít tiền. Rồi bà bắt xe lên TP.HCM làm lại “bộ nhai” vì răng hư sớm, ăn uống khó khăn.

Kể về đời mình, bà nói rằng ba mình hơn trăm tuổi mới mất. Má mất cách đây bảy năm, bà sống tại căn nhà thờ ba má cách nhà chị gái chừng trăm mét. Ban ngày, bà ở tiệm phụ giúp chị, chở gas khi có người điện. Tính bà xởi lởi, nhiệt tình nên người ta thương, hay cho thêm 10.000 đồng, 15.000 đồng…

Nhắc tới má, Út Một xúc động kể hồi còn sống, má thương mình dù hay “rầy chằng chằng” vì biết tính con lông bông. Bởi vậy, bà đã nguyện dư dả sẽ cất lại căn nhà. “Ai cũng nói nên cất nhà lại vì đó là nhà thờ cúng ông bà tổ tiên, phải xây cất đàng hoàng”, bà tâm sự. Cách đây mấy năm, nhà kế bên bị cháy, nên nhà ba má bà cũng gần như tiêu tan hết rồi. Cùng với đó, bà cũng định sẽ hùn chút đỉnh tiền mua đất thổ mộ dòng họ mình.

Dù sẽ cất nhà mới, Út Một nói sẽ giữ lại cái cửa kéo màu xanh cũ kêu ken két, cùng với đồ đạc kỷ niệm trong nhà như cái gạc-măng-rê, tủ thờ… Nghĩ cũng ngộ, người ta hay muốn quên thời cơ hàn, còn bà dù bị thiên hạ liệt vào hàng “lãng lãng” nhưng lại thích ôm ấp những ngày tháng xưa cũ.

Giữ giùm tiền của em gái trong tài khoản, bà Dung nói: “Nó muốn xài gì thì kêu, tui xuất tiền ra mà xài”. Còn Út Một thì kể: “Chị mình mà, có mất đi đâu mà sợ”.

Người có nhiều “quái chiêu”

Nhắc tới Út Một, nhiều người nói vui là bà này có nhiều cái “quái chiêu”. Nào là hay nổi quạu, có tài lẻ… Nhưng trong lúc nói chuyện, chúng tôi cảm thấy sâu thẳm trong bà là một người phóng khoáng, vô tư, đậm chất sông nước miền Tây.

Bà Dung cũng vậy. Ẩn sau những câu hờn mát, bà là người chị tảo tần, luôn lo lắng cho Út Một. Bà nói: “Tính nó lãng lãng, ham chơi nhưng lành lắm. Nhiều khi mình sợ trong lòng vì nó nóng tính, sợ ai nói gì đó làm nó tức nó nổi khùng thì sao”. Thấy Út Một đi lâu là bà điện chừng chừng. “Bởi vậy nó ghét tui lắm, nói tui hổng có thương nó”, bà kể. Nhưng người ngoài nhìn vô sẽ thấy, ngay cả cách gọi Út Một cũng hàm chứa sự thân thương, gắn bó.

Xởi lởi trời cho, so đo trời lấy. Có lẽ vì vậy nên cả nhà Út Một có cuộc sống ổn định, dù Út hay nói giỡn mình là “con ma nhà họ Hứa”. Hai bàn tay bà luôn lấm lem với cái nghề chở gas, chùi bếp quanh năm suốt tháng.

Cách Út Một sống thật đơn giản! Bà kể: “Ngày nào đi chở gas tui cũng treo theo mấy bịch bánh lọt. Đi ngang nhà nào thấy mấy bà già đang ngồi, tui làm bộ rao “Mấy đời bánh đúc có xương…”. Mấy bà nghe tưởng tui bán nên kêu lại, tui giỡn giỡn rồi thẩy cho một bịch ăn đỡ buồn”. Hồi tối, chạy về qua con lộ thấy một ông cụ lang thang, bà hỏi thăm rồi vòng lên mua ổ bánh mì chạy xuống đưa “ăn cho đỡ đói”. Bà hay âm thầm làm những việc như thế, gặp người “nói chuyện hạp” thì mới bộc bạch ba điều bảy chuyện.

Út Một tự nhận mình chậm chạp, học tới lớp 8 “không hiểu gì nữa” nên nghỉ. Bà viết cũng chậm, ăn cũng chậm hơn người khác. Nghỉ học, bà đi “mánh mung”, cửa hàng người ta “bung” cái gì ra như vải vóc, hộp quẹt… thì mua sang tay liền. Rồi bà chuyển sang bán bột nêm, hột vịt… sau đó gắn với nghề chở gas.

Trời cũng thương khi cho Út Một dù lẻ bóng nhưng khỏe mạnh, ăn ngon ngủ tốt. Nói chuyện với bà người ta quên mất tuổi tác, còn được hưởng ké vẻ yêu đời quá xá trời đất.

Nguồn Tin : https://tuoitre.vn/hau-trung-so-nhung-chuyen-ky-la-kho-tin-co-that-ky-1-mua-theo-bien-so-xe-trung-doc-dac-khung-20230103100648814.htm

Bài viết Hậu trúng số – những chuyện kỳ lạ khó tin có thật – Kỳ 1: Mua theo biển số xe, trúng độc đắc khủng đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Vé Số Thần Tài.

]]>
https://vesothantai.com/hau-trung-so-nhung-chuyen-ky-la-kho-tin-co-that-ky-1-mua-theo-bien-so-xe-trung-doc-dac-khung.html/feed 0